Huyền sử Cây khế (truyện)

Người em thấy vậy ra ngồi dưới gốc cây vừa khóc vừa nói với chim phượng rằng: Cơ nghiệp tôi chỉ có mỗi cây khế đó thôi. Bây giờ các ngài lại xơi hết cả thì tôi biết mong vào đâu cho có mà ăn.
Phượng hoàng nghe nói bảo rằng: Ta vốn hay đậu nơi cây ngô đồng và tắm mát chốn hồ sen. Ta mà đến đây chẳng qua chỉ để nghỉ chân chốc lát thôi. Ta có ăn mất trái khế nào thì ta sẽ đền ơn trả lại không sợ thiệt.
Nói rồi phượng hoàng nhả trong mồm ra rơi xuống một cây khế khác, bao nhiêu hoa tinh là bạc, bao nhiêu quả tinh là vàng cả.
— Trích văn bản Phượng hoàng đậu cây khế
1. Nhân vị tài tử, điểu vị thực vong (人為財死,鳥為食亡)

Thành ngữ kèm giảng nghĩa và điển tích được chép trong sách Tăng quảng hiền văn thời thịnh Minh, về sau Thiếu Niên tạp chí và sách Quan tràng duy tân ký (cùng năm 1956 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) bổ khuyết.

Hai anh em tranh đụn lúa khổng lồ tự dưng sinh sôi giữa đồng. Chim ưng trả ơn người em bằng cách cõng ra đảo ngọc, còn người anh cũng đi lấy của nhưng vì chở nặng quá nên chết đuối dưới biển, phần chim cũng bị mặt trời thiêu chết vì phơi mình quá lâu ngoài nắng.

2. Nhân tham tài nhi tử, điểu tham thực nhi vong (人貪財而死,鳥貪食而亡)

Bản chính truyện của nghiên cứu gia Nguyễn Đổng Chi, chép theo lời kể của người Nam Kỳ, nhưng trong thực tế là phỏng theo cố sự Trung Hoa.

3. Cây khế

Bản phó truyện mà tác gia Nguyễn Đổng Chi ghi theo lời kể của người Bắc Kỳ, in trên một tạp chí Hà Nội năm 1910.

Chim phượng hoàng tới nhà người em ăn khế, rồi dặn "Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng". Người em được chim chở ra đảo lấy vàng, còn người anh tham nặng nên ngã xuống biển chết đuối. Phượng hoàng liền bay đi mất.

4. Cây ổi

Bản phó truyện tác gia Nguyễn Đổng Chi chép theo lời kể dân gian Bắc Bộ thập niên 1950.

Người anh sẵn có tính ác nên trong lòng chứa toàn nọc độc. Sau khi biết em được phượng hoàng trả vàng, y mua lại gốc ổi của em với giá hời. Kết cuộc, khi chở vàng về, người anh mang nặng nên "rơi xuống đất tan xác, ruột gan lòi cả ra ngoài. Chim thấy ruột người, xuống rỉa ăn kỳ hết. Ăn xong nọc độc thấm vào, chim ngã lăn ra chết nốt".

5. Người tham vỡ bụng

Bản phó truyện tác gia Nguyễn Đổng Chi chép theo lời kể của người Hmong rẻo cao, có lẽ cũng chịu ảnh hưởng từ điển tích Trung Hoa.

Người anh chiếm hết gia tài, người em khổ quá bèn xin chị dâu nắm ngô giống về phát nương. Nhưng chị dâu lén rang hột chín tới rồi mới cho, thành ra trỉa mãi mà ngô chẳng mọc. Có tiên ông thương tình, bèn dặn người em nhặt thóc lép về đùn lại, quả nhiên từ mặt đất có ba cây lúa trồi lên, hột nào cũng to như cái chĩnh. Bỗng đâu có con chim khổng lồ tới quắp hết hột đi mất, người em phải bổ đi tìm. Đến một động tiên thì tiên bà là chủ chim đền cái cối tí hon, hễ cầu thì cối xay ra toàn lúa ngô giống chắc mẩy. Từ đó người em thành hào phú nhất vùng.

Vợ chồng người anh ướm nhời mượn cối, người em cho. Nhưng lúc này cối tuôn toàn rắn rết, người anh quẳng xuống suối vỡ tan. Người em lại nhặt cối (đã mọc thành cây) về đục thành máng, hễ đổ cám vào thì lợn ăn lớn chắc mập. Người anh lại hỏi mượn, nhưng lợn nhà y ăn vào thì chết, bèn đốt. Người em bèn sang lấy củi cháy dở về đẽo lược, chải tới đâu thì đầu bóng mỡ tới đấy. Người anh lại mượn, nhưng hễ chải thì rụng tóc tới mức trốc đầu ngứa ngáy, lại đốt.

Ở đống rấm trồi lên hột đậu, người em liền lấy nuốt. Lúc đi tiêu, chỗ ấy mọc lên rừng đậu tươi xanh bời bời. Vợ chồng người anh lén ra hái trộm, nhưng vừa bỏ mồm thì đậu trương lên khiến cả hai vỡ bụng mà chết.

6. Phượng hoàng đậu cây khế

Tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc soạn lại bài báo năm 1910.

Bầy phượng hoàng trả ơn người em bằng cách há mỏ nhả ra một hột khế. Hột mọc thành cây có hoa bằng bạc, quả bằng vàng. Từ đó người em trở nên giàu có.

Người anh bèn xin đổi ruộng vườn lấy cây khế. Nhưng đợi mãi chẳng thấy phượng đâu, toàn là quạ đen quạ khoang tới rỉa điếc tai "xấu hổ, xấu hổ".

7. Ăn khế trả vàng

Nhóm chuyên viên Bộ Giáo Dục soạn lại bản truyện số 3 và 6, chỉ thêm chi tiết người anh may túi 12 gang. Văn bản này được đưa vào cuốn Truyện đọc lớp 5 cấp tiểu học[1], Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành.

Tuy nhiên, ở cuốn tranh truyện đọc thêm cũng do NXB Giáo Dục trình bày, phát hành song song với Truyện đọc, chi tiết cuối kể rằng phượng hoàng nghiêng cánh vì chở nặng quá, sau rốt cũng ngã xuống biển và mang theo người anh cùng chìm.